Kết nối làng nghề

Bài 1: Quất động- Tổ tích nghề thêu

Nơi thờ vị Tổ nghề Làng Quất Động

 Làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội là một làng cổ nằm ven quốc lộ 1A, cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 20km về hướng nam. Nơi đây, từ thế kỷ 17 đã được ông tổ nghề thêu Lê Công Hành truyền dạy và nổi tiếng khắp gần xa. Những nghệ nhân, bằng đôi bàn tay khéo léo đã chắt lọc những gì tinh túy nhất của hồn dân tộc để thuê dệt lên những tác phẩm rực rỡ, sinh động tô đẹp cho đời.

“Sứ thần Việt Nam biết bay!”
“Tiên sinh tài cao xuất chúng, trí vượt tiên tri, là vầng trăng sáng Nam Triều, là ngôi sao lành đất Bắc. Lòng tựa gấm, miệng tựa thêu, đã lấy văn chương soi sáng đời thạnh trị, mũi kim, sợi chỉ, lại truyền tinh xảo đến phương Nam. Tài khéo sáng tỏ, ngắm sao Bắc Đẩu, Thái Sơn. Có công thì thờ tự, dù dâu biển cũng chẳng hề quên. Gặp lúc xuân tiết, kính dâng lễ mọn, nguyện soi xét lòng son, ban cho ơn phước lớn. Kính mong thượng hưởng!”. Đây là lời văn hằng năm, đọc trong lễ tế tổ nghề thêu, thể hiện tấm lòng tôn kính của người thợ thủ công đối với ngài Tổ sư.
Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành là quốc tính do vua ban, còn tên thật là Trần Quốc Khái hay Trần Công Hành, sinh ngày 18 tháng Giêng năm Bính Ngọ (1606), tại xã Quất Động, tổng Bình Lăng, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ, mất ngày 12 tháng 6 năm Tân Sửu (1661). Ngày 12 tháng 6 âm lịch hằng năm dân làng vẫn làm giỗ để tưởng nhớ đến ông tổ nghề thêu.
Ông đỗ tiến sĩ đời vua Lê Chân Tông (1643- 1649). Năm Bính Tuất (1646), ông được cử đi sứ sang Trung Quốc, vì ông giỏi nên bị người Trung Quốc bắt nhốt lên trên một chiếc chòi cao và rút thang. Trên chòi có đắp một pho tượng bằng chè lam và một chum nước, trên đầu được che bằng một đôi lọng thêu rồng, phương rất đẹp. Cứ thế ngày ba bữa, ông bẻ tay Phật, chân Phật ra ăn và uống nước trong chum. Ở trên lầu, buồn quá, ông quan sát hình rồng, phượng được thêu bằng chỉ màu và đường thêu rất khéo. Ông gỡ từng sợi chỉ xem cách thêu và quyết chí phải tìm hiểu cách thêu này để về truyền dạy cho bà con ở quê nhà.
Khi ăn gần hết pho tượng, uống gần hết chum nước, ông nhìn ngoài trời trông thấy con dơi bay, ông nghĩ bụng con dơi giương cánh bay được thì mình cầm cái lọng nhảy xuống cũng không chết. Hai cái lọng giương ra như hai cái ô to đỡ ông rơi nhẹ nhàng xuống đất. Bọn lính gác ở dưới reo hò: “Sứ thần Việt Nam biết bay! Và đến khi về nước, ông đem nghề thêu dạy cho dân làng Quất Động. Dần dần nghề thêu phát triển và trở thành nghề truyền thống của cả xã cho đến ngày nay.

Niềm bâng khuâng của kẻ hậu duệ

Chị Hoàng Thị Khương giới thiệu tác phẩm thêu trên áo dài dân tộc

Chị Hoàng Thị Khương chủ công ty TNHH thêu tranh ảnh mỹ nghệ cao cấp Hoàng Thị Khương chia sẻ: “Để tạo nên nét đặc trưng cũng như thương hiệu truyền thống của làng nghề thêu Quất Động từ xưa đến nay đó chính là những bức tranh thêu có chủ đề độc đáo và đường kim thêu mang nét, dấu riêng. Ở những nơi khác thay vì tỉa chỉ để tạo màu thì họ lại đánh màu lên chỉ. Người ta chỉ thêu một màu non hoặc màu trung gian rồi đánh màu già lên như vậy sẽ giảm được ngày công và giảm giá thành. Nhưng ở làng nghề Quất Động người dân vẫn cần mẫn, tỉ mỉ thêu tỉa từng đường chỉ màu để tạo nên một khối luyện màu: nét, thật và tinh xảo”.
Trước kia, những bức tranh thêu thường là: Long, Ly, Quy, Phượng (Tứ quý), Tùng, Cúc, Trúc, Mai (Tứ thì) hay những bức tranh Thủy mạc đen trắng. Nhưng bây giờ thị hiếu khách đã thay đổi, họ thích những thêu những bức tranh màu: Phú quý, Mã đáo thành công, Lý ngư, Chân dung và những bức tranh chụp từ cuộc sống…Những bức tranh xưa thường gam màu lạnh, đơn giản thì nay là những bức tranh có nhiều màu sặc sỡ. Bức tranh Mã đáo thành công là một ví dụ, với 60 màu thêu (cao 1.2m dài 2m), do hai thợ thủ công thực hiện trong vòng 3 tháng (giá từ 10 triệu đến 20 triệu đồng) được nhiều khách hàng tìm mua trong năm 2014.
Được biết, một bức tranh thêu thường trải qua 5-6 công đoạn. Đầu tiên người thợ phải nhìn mẫu, có những mẫu theo hoa văn khách hàng đặt rồi định hướng xem có bao nhiêu màu, vẽ kiểu, châm kiểu, in lên vải sau đó chọn chỉ rồi cho thợ thêu, tỉa chỉ và cuối cùng là chăng khung. Tất cả đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo đến từng chi tiết. Không thể nói công đoạn nào quan trọng hơn công đoạn nào, bởi nó là một thể thống nhất, nhưng cái khó nhất của người thợ thêu là thêu làm sao cho bức tranh có hồn. Nếu là hoa thì nhìn hoa phải như hoa đang nở; nếu là mắt thì như mắt đang nói; nếu là miệng thì phải như miệng đang cười,…
Được biết, khi xưa cụ tổ nghề Lê Công Hành đã truyền dạy nghề cho người dân ngũ xã: Lê Lợi, Thắng Lợi, Hướng Xá, Nguyên Bì, Quất Động và Quất Động được xem là cái gốc của làng nghề. Bây giờ nghề thêu ở Quất Động cũng vẫn được xem là phát triển nhất, dù mặt bằng chung cả 5 làng nghề không còn như trước. Những lớp nghệ nhân nổi tiếng xưa, nay đã khuất núi. Ở Quất Động hiện chỉ còn đội ngũ thợ lành nghề vẫn đang loay hoay cố gìn giữ và phát huy nghề truyền thống.
Cơ sở thêu người khuyết tật của chị Hoàng Thị Khương, mặc dù đã không ngừng nâng cao tay nghề, mở rộng thị trường, tiếp cận mẫu mã mới, đặc biệt là các đơn hàng từ nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc và tham gia nhiều cuộc thi, cuộc triển lãm trong nước, nhưng chị cũng phải thú thật một điều rằng: “Đối diện với khó khăn tài chính và thị trường là tình trạng thường trực của các chủ cơ sở thêu ở Quất Động”.
Thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt tinh tường cộng với bộ óc tinh tế và đức tính cẩn thận, cần mẫn. Nhìn những người thợ thêu Quất Động tỉ mỉ với từng đường kim mũi chỉ, chúng ta mới thấy hết sự bền bỉ, siêng năng cũng như tình yêu nghề của họ, dù mức thu nhập chỉ từ 50 nghìn- 70 nghìn/ngày. Mong rằng, song song với chính sách hỗ trợ dạy nghề trên toàn quốc, Bộ Lao động thương binh và Xã hội sẽ không lãng quên những người lao động đã có nghề đang gặp khó khăn tại các làng nghề, xã nghề hiện nay.

CHỈ DẪN ĐỊA LÝ LÀNG NGHỀ QUẤT ĐỘNG
VÀ DANH SÁCH NGHỆ NHÂN
Nằm trên quốc lộ 1A, cách trung tâm Hà Nội hơn 20 km về hướng nam. Các bạn đi xe qua bến xe Giáp Bát về hướng Thường Tín, khoảng 20 km rồi hỏi Làng Nghề Quất Động.
Bà Hoàng Thị Khương :0986301882
Ông Bùi Trần Đăng : 0988865268Ông Từ, nghệ nhân –  người trông coi đình làng Quất Động: 0966340905.

 

         BÀI 2: XÃ NGHỀ PHÚ TÚC- MANG CỎ ĐI KHẮP NĂM CHÂU

Một sản phẩm của xã nghề Phú Túc

Làng Lưu Thượng 300 năm tuổi nghề
Thay cho hình ảnh những chú siêu nhân điện tử, búp bê babi ở thành phố, về với làng Lưu Thượng trên tay các em nhỏ không rời những con búp bê làm bằng cỏ tế. Những đứa trẻ vui đùa bên chiếc xe đựng đầy cây cỏ tế nơi cổng làng, từng dãy hàng guột tế, mây, tre, giang đan đang phơi ven đường, trong sân nhà. Những con người khéo léo của đất nghề từ các em nhỏ tới các bậc cao niên, rồi những bà, những cô, những cậu… đang thoăn thoắt tay buộc, tay đan làm nên những món hàng độc đáo.
Là một trong hai nghệ nhân cao tuổi của làng nghề, ông Nguyễn Văn Thọ trầm ngâm kể: “Cụ tổ làng nghề là Nguyễn Thảo Lâm, người đã truyền nghề chế biến cỏ tế cho thôn Lưu Thượng suốt 300 năm qua. Cổ nhân, lấy cây cỏ tế từ rừng sâu, rừng già mang về, qua bàn tay chế biến của người thợ thủ công làm ra các vật dụng: Rổ, rá, dần, sang, nón,…”
Đến năm 1986, nền công nghiệp đồ nhựa ra đời, những sản phẩm gia dụng từ thiên nhiên trở nên khó tiêu thụ ở thị trường trong nước. Chính lúc đó, người dân Lưu Thượng đã mạnh dạn chuyển từ nghề chế biến nguyên liệu sang đan hàng cỏ tế xuất khẩu; từ sản phẩm gia dụng đến sản phẩm văn hóa thưởng thức; từ thị trường trong nước sang thị trường xuất khẩu. Bởi, khi người dân Việt Nam yêu thích đồ nhựa thì cũng là lúc người nước ngoài chuyển sang dùng sản phẩm thủ công bằng chất liệu thiên nhiên.
Đến năm 2000 một loạt các công ty, doanh nghiệp ra đời để mở rộng quy mô phát triển của làng nghề. “Lưu Thượng thực sự trở thành đầu mối, nhận các kế hoạch và triển khai mẫu mã, sau đó thuê người dân cả xã Phú Túc cùng làm. Thôn có 1.800 nhân khẩu thì 100% đều làm nghề truyền thống – đan guột. Việc sản xuất hàng xuất khẩu đã được chuyên môn hóa đến từng công đoạn. Có hộ gia đình chỉ chuyên đan đế, có hộ chuyên đan phần thân, hộ khác chuyên phơi, sấy, hun, phun bóng”, ông Trần Văn Tẫn trưởng, thôn Lưu Thượng chia sẻ.
Hiện nay, sản phẩm guột tế của làng được đa dạng hóa với hàng ngàn mẫu mã khác nhau như: Bàn ghế, giường tủ, vali, lẵng hoa, búp bê,… Bằng sự nhạy bén trước cơ chế thị trường, cộng thêm chất lượng sản phẩm tốt, bền đẹp, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, thân thiện với môi trường, do vậy các sản phẩm của làng nghề hiện xuất khẩu ổn định sang hơn 20 nước trên thế giới.

Làng nghề vươn vai thành xã nghề

Vali làm bằng cỏ tế (cỏ guột)

 

Nhớ lại 28 năm trước, thôn Lưu Thượng chỉ là làng chế biến Cỏ tế, đan rổ rá cho thị trường trong nước. Nhưng lúc đó người dân lại đồng loạt quay lưng với sản phẩm làng nghề, bởi đồ nhựa có giá thành rẻ hơn. “Cái khó ló cái khôn”, nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ quyết định một hướng làm ăn mới cho gia đình là đan Cỏ tế xuất khẩu. Ông Thọ hồi tưởng: “Sau khi làm được mẫu mã đầu tiên và khách hàng nước ngoài chấp nhận, tôi báo cáo với Đảng ủy xã. Chính quyền xã đã tạo điều kiện cho tôi mượn phòng làm nhà kho, hội trường để nghiệm thu và tài khoản để giao dịch với đối tác. Từ những chuyển dịch ban đầu đó của gia đình tôi, giờ đã lan tỏa thành sức sống mới của cả làng nghề”.
Cây Cỏ tế của làng nghề Lưu thượng giờ đang góp phần tạo nên nét riêng có của sản phẩm xã nghề Phú Túc. So với các nguyên liệu khác, Cỏ tế được chế biến không cầu kỳ. Cỏ được phân loại rồi phơi ít nhất 3 nắng to liên tục để đạt được độ bền và màu sắc. Tiếp theo, người thợ để nguyên hoặc chẻ cây Cỏ tế ra làm 2, 3 hay 4 phần tùy thuộc vào việc dùng để sản xuất loại hàng hóa nào. Sau đó, Cỏ tế được dùng để đan và tạo hình cho sản phẩm. Các loại Cỏ tế được đan trong một sản phẩm phải có cùng màu sắc, độ dẻo dai để tạo sự đồng đều. Sản phẩm sau khi tạo hình được hun qua diêm sinh, rồi nhúng qua dầu keo để màu sắc được bền và tươi tắn hơn.
Bằng sự tìm tòi, sáng tạo, những người thợ Phú Túc còn kết hợp Cỏ tế với các nguyên liệu khác như cói, bẹ ngô, mây, tre, bèo, bẹ chuối, cỏ lăn…làm ra rất nhiều các mẫu mã mới, đẹp mắt như: bàn, ghế, giỏ hoa, búp bê,… Ví như, từ những giỏ hoa, được cải tiến đan xen giữa Cỏ tế và bẹ ngô để tạo nên sự mềm mại cho sản phẩm. Hay những con búp bê làm từ guột với hai màu hoàn toàn tự nhiên, màu vàng sữa là màu vốn có của guột còn màu nâu là do người thợ đem guột ngâm xuống bùn vài hôm, rửa sạch rồi đem phơi, nhựa của bùn bám vào từng sợi guột nên tạo nên màu nâu tự nhiên.
Người dân Phú Túc “chân chỉ hạt bột” và không ngừng sáng tạo, từ cụ già 80 đến cháu bé 5-6 tuổi đều tham gia đan Cỏ tế xuất khẩu với mức thu nhập trung bình 70 nghìn/ngày/người. Không chỉ làm theo đơn đặt hàng, người thợ Phúc Túc còn chủ động tạo mẫu mã mới và chào bán thành công trên thị trường 20 nước. Công ty TNHH mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương của Chị Nguyễn Thị Hương là một minh chứng cho nội lực của làng nghề: “Công ty chúng tôi chuyên xuất khẩu mặt hàng mây tre đan sang thị trường nước ngoài, từ châu Âu đến châu Mỹ. Trung bình hằng tháng, chúng tôi xuất khẩu khoảng 5 đến 6 congtainer hàng, đem lại doanh thu trung bình 1tỷ đồng. Năm 2012, dù kinh tế khó khăn, nhưng công ty chúng tôi vẫn duy trì xuất hàng đều đặn, thậm chí tăng và doanh thu trung bình đạt 12 tỷ đồng/ năm”.
Mặc dù vậy, làng nghề nào cũng còn những khó khăn, nếu ở Quất Động là đầu ra cho sản phẩm thì ở Phú Túc lại là quỹ đất để phát triển sản xuất? Theo các Nghệ nhân, nếu chỉ sản xuất với quy mô hộ gia đình chủ yếu như hiện nay, Phú Túc sẽ giậm chân tại chỗ trong một vài năm tới. Trước tình hình này, nhiều năm qua xã cũng đã có kiến nghị gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, xin được cấp cánh đồng 17 mẫu làm mặt bằng, nhà xưởng cho các doanh nghiệp địa phương. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn chỉ là trên giấy tờ. Người dân xã nghề vẫn đang phải lo sản xuất, lo tiêu thụ sản phẩm trong tình hình khủng hoảng kinh tế và không quên bền bỉ chờ đợi để nguyện vọng của mình sớm được hiện thực hóa.

CHỈ DẪN ĐỊA LÝ XÃ NGHÈ PHÚ TÚCVÀ DANH SÁCH NGHỆ NHÂN

Dọc theo tuyến xe bus 06 Giáp Bát – Cầu Giẽ, đến thị trấn huyện Phú Xuyên đi 15km về phía tây hỏi xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Xã Phú Túc có làng nghề Lưu Thượng, là làng nghề tổ. Lưu Thượng không chỉ là làng đầu tiên, mà  là duy nhất ở Việt Nam có nghề chế biến và đan Cỏ tế xuất khẩu.

Ông  Nguyễn Văn Thọ: 0972466181

Ông Nguyễn Văn Ngải, Lưu Thượng, Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội ( ông già rồi nên ko dùng đt)

Ông Trần Văn Tẫn, Trưởng thôn Lưu Thượng: ( 0433507832).

 

                            BÀI 3: BẰNG SỞ – THỜI XA VẮNG

Cổng làng Bắng Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội

 Làng nghề Bằng Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, nằm bên dòng sông Hồng với lịch sử nức tiếng Kinh kỳ xưa. Nhưng ngày nay, làng làm hàng tre nổi tiếng này đang đứng trước sự lựa chọn, còn nghề hay để mất nghề?

              Bảy năm là ngọn cờ đầu!
Trong cuốn “Dư địa chí” của làng có ghi: “Bằng Sở vốn là một làng ở đất Kinh Kỳ trong thành Thăng Long xưa. Đầu thế kỉ 11, vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Nhà vua muốn mở rộng Kinh thành nên cho di rời một số làng xã. Bằng Sở là một làng trong diện di dời và làng đã di chuyển xuống phía Nam, định cư tại vi trí như ngày nay. Khi mới di chuyển, nhà vua cấp cho làng khoảng 200 mẫu Bắc Bộ. Nhưng khu này khi đó là đồng nước mênh mông, lau lác um tùm, nên gọi là đồng Lác. Trong vùng đất mênh mông đó, nổi lên ba gò đất, người dân làm nhà ở ba gò đất đó và gọi là đất Ba Gò.  Vị trí địa lí hiện tại của thôn, do sông Kim Ngưu ở phía Đông san lấp mà thành, phía Tây giáp làng Duyên Trường và Hạ Thái, phía Bắc giáp làng Đại Lộ, phía Nam giáp làng Sở Hạ”.
Bước đầu định cư ở Ba Gò, đồng nước mênh mông, không cày cấy được, nên người dân ở đây chỉ sống bằng nghề chăn vịt và đánh bắt tôm cá. Để làm nghề, người dân đã tự tạo các dụng cụ là đan lờ đó, đan dậm bằng tre nứa. Từ chỗ đan lờ, đó, dậm, giỏ người dân cải tiến đan nhiều đồ dùng khác như đan các vật để đựng đồ dùng, rồi có người phương xa đến mua bán, nên người dân Bằng Sở phát triển đan nhiều để bán. Và nghề hàng tre hình thành ở Bằng Sở từ đó. Sau này, người dân nơi đây, còn sáng chế ra một số mặt hàng bằng tre nứa làm đồ dùng, đồ chơi đem bán tại Hà Nội, Hưng Yên. Riêng cái nón Mền được bán cho người Hoa ở Quảng Yên rất nhiều và được gọi là nón Tu Lờ. Và các nón này còn được các quan lại đặt mua trang bị cho lính đội đầu nên gọi là nón Lính.
Từ năm 1900, một số quan lại và thương gia người Pháp đã mua hàng tre của Bằng Sở để dùng và gửi về chính quốc. Rồi sau đó họ đến xem và đặt mua nhiều thì hàng tre Bằng Sở trở thành một mặt hàng xuất khẩu. Đến năm 1920, các mặt hàng tre Bằng Sở được trưng bày tại hội chợ triển lãm tại Hà Nội. Đến năm 1930 được sự giúp đỡ của Tổng đốc Hà Đông Hoàng trọng Phu, cụ Đỗ Văn Chấp người làng Bằng Sở đem hàng tre đi trưng bày tại Hội chợ Pari Pháp. Qua cuộc triển lãm này, cụ được phong hàm Cửu phẩm. Đặc biệt, qua cuộc triển lãm này, hàng tre Bằng Sở được biết nhiều ở Pháp. Đồng thời, quan Tổng sứ Pháp đã dựng cho làng một cái biển trước cổng với hàng chữ: Vanerie de Bằng Sở và cơ nũi.(Tên chỉ vào làng) để đánh dấu một làng nghề. Biển này tồn tại đến năm 1948, khi giặc Pháp về chiếm đóng đã phá bỏ.
Sau hoà bình, từ năm 1954 đến năm 1955, hàng tre Bằng Sở được phục hồi và sản xuất lẻ tẻ trong nhân dân địa phương. Đến năm 1959, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, hợp tác xã nông nghiệp được thành lập. Đến năm 1962, do việc phát triển ngày càng mạnh nên những người sản xuất hàng tre được tách thành hợp tác xã chuyên nghiệp. Từ đó, Bằng Sở có hai hợp tác xã: Hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã thủ công nghiệp chuyên sản xuất hàng tre xuất khẩu.
Qua quá trình phấn đấu lao động sản xuất, đến năm 1966 hợp tác xã thủ công nghiệp xuất khẩu của làng Bằng Sở được tặng danh hiệu lá cờ đầu của ngành thủ công nghiệp Hà Tây. Và danh hiệu này, được giữ vững trong 7 năm liền (từ năm 1966 đến năm 1972). Nhân dịp đầu xuân năm 1972,  làng Bằng Sở đã vinh dự được đón đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn về thăm.

Hãy tìm lại chính mình

 

Chiếc nón Lính, nổi tiếng một thời của Làng tre đan Bằng Sở

Dạo quanh làng Bằng Sở một vòng, lác đác mới thấy vài hộ gia đình đang đan lát. Vợ chồng chú Hiếu tỉ mỉ làm những tổ yến bằng tre do khách đặt và chia sẻ: “Hiện làng nghề làm ăn chẳng theo cái quy mô nào cả, mạnh ai lấy làm, không cần báo cáo chính quyền. Một ngày công lao động hiện nay chỉ là 50.000 đồng, nên người dân trong xóm bỏ đi làm công nhân cả. Làm nghề chỉ còn người già và trẻ nhỏ, tranh thủ những lúc nông nhàn”. Chú Hiếu lấy những chiếc bình hoa, cái thúng, quả táo,… được đan bằng tre rất khéo léo trong tủ ra cho chúng tôi xem. Lớp bụi dày phủ kín xung quanh những sản phẩm tuyệt đẹp ấy khiến khó ai có thể không chạnh lòng. Nhìn con gái chú Hiếu đang mải mê đan những chiếc tổ yến nhỏ xinh cùng mẹ mà ngẫm về tương lai làng nghề.
Trong cuốn dư địa chí được biên soạn cách đây hơn 30 năm, kể về một thời kì vẻ vang của làng, không khí nhộn nhịp tiếng vót, tiếng đan, vậy mà nay chỉ còn thấp thoáng, lẻ bóng một vài hộ làm nghề. Để tìm hiểu nguyên nhân của sự mai một này, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Hữu Vinh trưởng thôn Bằng Sở. “Hàng tre của thôn Bằng Sở giờ đang chết, đang đi vào ngõ cụt”, ông Vinh thảng thốt. Được biết, từ lâu Hợp tác xã thủ công nghiệp của Bằng Sở không còn nữa, vì vậy làng nghề đã không thuộc quản lí của chính quyền địa phương. Các hộ dân tự tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm và cũng không có sự liên kết hỗ trợ nhau, thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh, chỉ vì để tiêu thụ sản phẩm trong thời buổi khó khăn này.
Bên cạnh sự lụi tàn và bon chen ấy, còn nhen nhóm vài hộ dân có tâm huyết với nghề truyền thống, họ cố gắng để giữ gìn và hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Chú Nguyễn Văn Thân, 49 tuổi, thôn Đại Lộ, Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội buồn rầu nói: “Chỉ có những ai yêu nghề, có tay nghề giỏi mới bỏ công sức để trụ lại trong thời gian khó khăn này. Việc làm thì thiếu, nhưng lại không dễ nhận đơn hàng, bởi những sản phẩm đặt thường yêu cầu kiểu dáng, chất lượng cao, trong khi nhân công thiếu, nguyên liệu đắt đỏ và ngày công lại thấp”.
Chính vì vậy, để khôi phục lại làng nghề truyền thống hàng tre đan Bằng Sở, chính quyền địa phương cần đứng ra liên kết các hộ làm nghề, giúp họ nâng cao tay nghề và tìm kiếm thị trường ổn định. Xu hướng toàn cầu hiện nay là sử dụng sản phẩm có chất liệu tự nhiên, làm bằng tay và thân thiện với môi trường. Vậy nên, mặt hàng của Bằng Sở vẫn có thể xem là hết sức tiềm năng nếu hướng đến thị trường cao cấp và thị trường quốc tế. Ngoài ra, việc khuyến khích bà con chủ động sáng tạo, đổi mới mẫu mã, áp dụng khoa học kỹ thuật (máy vót nan) để giảm bớt chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng là việc nên làm của chính quyền. Có như vậy, Bằng Sở mới mong tìm lại được chính mình.

 CHỈ DẪN ĐỊA LÝ LÀNG NGHỀ BẰNG SỞ
VÀ DANH SÁCH NGHỆ NHÂN
Làng nghề Bằng Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín nằm ven sông Hồng, phía nam Hà Nội. Bạn đi thẳng từ Giáp Bát theo Quốc Lộ 1A, tới km 16 xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội, dẽ trái ở ngã 3 gần Cụm công nghiệp Duyên Thái và hỏi thăm tiếp vào xã Ninh Sở và thôn Bằng Sở.
1. Ông Nguyễn Văn Thân, Thôn Đại Lộ, Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội (01682435956)
2. Bà Đỗ Thị Hoán, Thôn Xâm Dương 3, Ninh Sở, Thường tín, Hà Nội (0973780094)3. Ông Lê Văn Bao, Thôn Xâm Dương 1, Ninh Sở, Thường tín, Hà Nội ( 0903526052)

4. Bà Bùi Thị Nguyệt, Thôn Xâm Dương 3, Ninh Sở, Thường tín, Hà Nội (01696997388)

5. Ông Phạm Văn Hảo, Thôn Xâm Dương 3, Ninh Sở, Thường tín, Hà Nội
6. Ông Đỗ Nhân Tài :0466536437

7. Ông Nguyễn Hữu Vinh – trưởng thôn : 0984796222

 

Bài IV                     VẠN PHÚC- 1000 NĂM TIẾNG SE TƠ DỆT CỬI

 

Cổng vào Làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội

   

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…” 

Nguyên Sa

Ả Lã  vị Tổ sư làng nghề
Tương truyền, ở nước ta thời Bắc thuộc (nhà Đường), tại châu Tụ Long, dao Tuyên Quang, có một gia đình dòng dõi vua Hùng. Ông họ Hùng tên Thụy, là người tài đức kiêm toàn. Bà họ Phạm tên Khương là trang thục đức nổi danh. Ông là người hiền lành trung hậu, chăm làm việc thiện, tiếng đồng vang khắp xa gần. Sau ông bà sinh được một người con gái, mặt hoa da phấn, thông minh tài trí. Ông bà vô cùng yêu quý, bèn đặt tên cho là Ả Lã. Khi lớn lên sắc đẹp của nàng càng thêm lộng lẫy, khiến cho nguyệt thẹn hoa hờn, chim sa cá lặn. Bấy giờ có viên sứ nhà họ Đường tên là Cao Biền rất ngưỡng mộ danh tiếng của nàng bèn tìm đến kết mối nhân duyên. Ông bà Hùng Thụy vui vẻ chấp thuận. Ngày sau, Cao Biền đưa Ả Lã về phủ trị ở La Thành, phong làm Nga Hoàng đệ nhị cung phi. Cao Biền thường hay đưa bà Ả Lã đi thăm thú nước non. Một hôm, về đến trang Vạn Bảo (nay là làng Vạn Phúc), thấy phong cảnh hữu tình, sông ngòi chằng chịt như dệt gấm thêu hoa, bà liền xin với Cao Biền cho ở lại đây. Sau này, Cao Biền được triều đình phương Bắc triệu hồi về nước, bà Ả Lã ở lại cùng dân làng Vạn Bảo, dạy dân canh cửi tầm tang. Đến khi bà mất, triều đình phong kiến Việt Nam đã ban cấp sắc phong cho phép thờ phụng bà, hương hỏa ngàn năm không bao giờ tắt (Hiện ở đình làng Vạn Phúc còn lưu giữ được 11 đạo sắc phong của bà). Để ghi nhớ công ơn, dân làng tôn bà làm Thành hoàng, tổ sư nghề dệt, và lấy ngày 10 tháng tám âm lịch (ngày sinh của bà), 25 tháng chạp âm lịch (ngày mất của bà) là ngày tế lễ và giỗ tổ của làng.
Còn, trong cuốn biên niên sử làng lụa có ghi: “Vạn Phúc xưa có tên gọi là Vạn Bảo, vốn là trang Vạn Bảo, xã Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai, trấn Sơn Nam. Hiện nay, trên tấm bia đá ở văn chỉ của làng, được xây dựng từ đời Tây Sơn có ghi, thôn Vạn Bảo thuộc xã Thanh Oai. Đến thế kỷ 19, do kiêng húy tên vua Thành Thái (1889 – 1906) là Bảo Lân nên đổi thành làng Vạn Phúc như ngày nay”.
Làng Vạn Phúc nay có khoảng 1.500 thợ thủ công, chuyên sản xuất lụa, thu nhập bình quân từ 1,5- 2 triệu đồng/người/tháng. Nguyên liệu chính để sản xuất lụa Vạn Phúc là tơ tằm, tơ bóng và sợi lanh. Nguồn này được lấy từ vùng tơ tằm Lâm Đồng và một phần từ tỉnh Vĩnh Phúc. Đặc trưng hoa văn truyền thống của lụa Vạn Phúc là dệt đối xứng, không rườm rà, mềm mại, phóng khoáng và dứt khoát. Bởi, các sản phẩm này trước đây chủ yếu dành cho vua quan, nên hoa văn là biểu trưng cho sự cao quý, thành đạt. Tuy nhiên, ngày nay các sản phẩm của lụa Vạn Phúc đã tiếp cận được với đông đảo người dân bởi giá thành rẻ hơn và họa tiết đơn giản, gần gũi. Những mẫu hàng được lựa chọn để tập trung sản xuất hiện cũng không còn nhiều, gồm lụa hoa, sa tanh hoa, sa tanh trơn, lụa vân và the, gấm thay vì quá nhiều mẫu mã như xưa (70 mẫu hàng).

Dặm trường thân lụa

Phạm Thị Hương
với chiếc áo lụa của làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội (năm 2010)

Được biết, dưới thời triều đình phương Bắc tơ lụa, sa, the của Vạn Phúc luôn là một cống phẩm không thể thiếu. Đến thời Nguyễn, từ Vua Khải Định cho đến vua Bảo Đại đều sai sứ thần ra Vạn Phúc mua sa, gấm, đem về dùng. Những năm 30 của thế kỷ XX, lụa Vạn Phúc đã tham dự nhiều triển lãm và hội chợ quốc tế tại Pháp, Indônêxia,… Bằng những khung dệt thô sơ, nguyên liệu tơ tằm, người thợ thủ công Vạn Phúc đã thêu dệt lên những vuông lụa mềm mại, cầu kỳ làm mê đắm bạn bè các nước. Không chỉ có lụa, những sản phẩm khác như gấm, đũi, lụa hàng vân cũng làm nức lòng người Việt xa xứ.
The Vạn Phúc là sản phẩm dệt bằng tơ tằm thường dùng may áo dài, áo ngắn hoặc nhuộm thâm màu để may quần nữ. Có hai loại, the trơn và the hoa. Trên mặt tấm the, đều có những lỗ thủng nhỏ rất đẹp. Tuy nhiên, hiện nay the không còn được thị trường ưa chuộng. Lụa Vạn Phúc là sản phẩm dệt bằng tơ tằm, có nhiều sợi dọc và ngang hơn the, bền hơn the và cũng có 2 loại, lụa trơn và lụa hoa. Lụa hoa phổ biến đó là lụa vân, là mặt hàng lụa mỏng có hoa nổi và hoa chìm. Hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn, hoa chìm phải soi lên ánh sáng mới thấy được. Cuối cùng là sản phẩm gấm Vạn Phúc, được dệt bằng lụa tơ tằm, tơ nhuộm nhiều màu, đẹp và có hoa văn hết sức phức tạp như nệm võng, nệm tràng kỷ, áo gấm cho vua quan có rồng chầu mặt nguyệt, long, ly, quy, phượng,… Hoa trên gấm thường có màu tươi rực rỡ (5-7 màu), được dệt cài nổi, tựa như thêu chỉ các màu rất khéo trên nền sa tanh. Gấm là mặt hàng quý nhất, khó làm nhất trong tất cả các mặt hàng tơ lụa. Người ta coi gấm là “bà chúa” của các loạt hàng dệt, tơ, lụa. Người thợ dệt gấm phải đạt tới tay nghề rất cao, kỹ thuật điêu luyện, tinh xảo và có óc thẩm mỹ tuyệt vời. Xưa nay, chỉ có rất ít nghệ nhân biết dệt gấm. Theo truyền tụng dân gian, dưới thời Lê, chỉ có làng Vạn Phúc (Hà Đông) là nơi duy nhất biết dệt gấm.
Làm nên nét hoa văn đặc trưng của lụa Vạn Phúc còn là ở chủ đề như: hoa cúc, triện thọ, hồng thọ, tre trúc, song hỷ, đèn lồng, đuôi công, trúc mai,…. Mỗi mẫu hoa như vậy, thường người thợ thủ công phải sử dụng một mẫu bìa cotton đục lỗ riêng, số lỗ trên bìa nhiều hay ít tùy theo độ cầu kỳ của hoa văn. Ngoài ra, hoa văn của lụa Vạn Phúc thường có hai mặt, khách hàng có thể may mặt chìm (vân dọc) hay mặt nổi (vân ngang) của hoa văn. Được biết, hiện nay các sản phẩm lụa Vạn Phúc, có giá thành thấp nhất là 60.000đồng/ 1 mét và nhiều nhất là 1,2 triệu đồng/ 1 mét.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm hợp tác xã Vạn Phúc cho biết: “Trước năm 1993, các sản phẩm từ tơ tằm của Vạn Phúc được tiêu thụ nhiều ở thị trường Nga, Đông âu và Nhật Bản. Sau năm 1993, sản phẩm của làng tiếp tục mở rộng thị trường bằng việc tham gia nhiều hội trợ và triển lãm quốc tế. Hiện nay, khách nước ngoài đến Vạn Phúc, vừa kết hợp du lịch, vừa mua hàng trực tiếp, ước đạt khoảng 10.000- 12.000 lượt khách/năm, chiếm 30% lượng khách đến Vạn Phúc mỗi năm. Để tạo dựng một thương hiệu uy tin hơn nữa, chúng tôi đang vận động bà con trong làng tiến hành dệt tên lụa Vạn Phúc chạy suốt mép vải để người dùng có thể phân biệt và chọn lựa đúng sản phẩm và yên tâm khi sử dụng. Ngoài ra, lụa là một sản phẩm đòi hỏi sự kỳ công khi sử dụng. Người dùng mỗi lần giặt không nên giặt bằng các loại bột giặt có chứa nhiều chất tẩy. Tốt nhất là dùng nước ấm có pha chanh loãng hoặc giặt bằng dầu gội để không làm vải phai, mất độ song và suôn mềm của lụa.”

CHỈ DẪN ĐỊA LÝ LÀNG LỤA HÀ ĐÔNG
VÀ DANH SÁCH NGHỆ NHÂN
Làng lụa Vạn Phúc, thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 10km về phía đông (nằm cuối trục đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân và năm sau Bưu điện Hà Đông).
1. Nghệ nhân Nguyễn Văn Hùng, (Chủ nhiệm HTX), điện thoại:  0912.263.951
2. Nghệ Nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, điện thoại:  0904.023.453
3. Nghệ nhân Đỗ Văn Hiển, điện thoại:  0982.298.686
4. Ông Nguyễn Văn Sinh, thợ giỏi, điện thoại:  0912.290.881
5. Gia đình Hiền Trang, thợ thủ công thâm niên, điện thoại:  0982.538.789
6. Gia đình Trường Hoa, thợ thủ công thâm niên, điện thoại:  0983.355.984
7. Gia đình Sơn Hạnh, thợ thủ công thâm niên, điện thoại:  0919.358.487
8. Gia đình Thành An, thợ thủ công thâm niên, điện thoại:  0913.288.671 9. Ông Nguyễn Văn Thủy, chủ tịch UBND Phường Vạn Phúc, Hà Đông, điện thoại:  0912.329.922

 Bài V                                                 700 NĂM GỐM VÀ SỨ BÁT TRÀNG

Đình làng Bát Tràng cổ kính nằm bên bờ sông Hồng

      Một làng nghề gắn liền với quá trình phát triển của Thăng Long Tứ Trấn và ngày nay tiếp tục gìn giữ những bí quyết làm gốm lâu đời, vật lộn để hòa mình, phát triển cùng cơ chế thị trường- Làng gốm Bát Tràng

Chuyện làng
Theo sử ký, phường gốm sứ Bát Tràng được hình thành gắn liền với công cuộc rời đô của vua Lý Công Uẩn từ Hoa Lư về Thăng Long. Phường gốm sứ được lập trên vùng đất bãi bồi, bên bờ sông Hồng. Với mong muốn: “Đem nghề từ làng Bồ ra để xây dựng đình miếu/ Lòng thành như hương lan cúng tạ thánh thần”. Hiện nay, gia phả của hầu hết các dòng họ trong làng Bát tràng còn ghi rõ: “Cư dân Phường gốm sứ Bát Tràng là dân từ làng Bồ Bát, xã Bồ Xuyên, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình di cư đến. Và sơ khai, làng Bát tràng được gọi là Bạch Thổ Phường, Xã Bát Tràng, thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Bắc Ninh; cư dân sống chủ yếu bằng nghề làm gốm sứ, buôn bán và làm quan”.
Trải qua hơn 700 năm lịch sử với khoảng 20 thế hệ, đến nay xã Bát Tràng có 1.900 hộ, 7.995 nhân khẩu trên diện tích 164,02 ha đất tự nhiên (số liệu năm 2012). Phía Bắc giáp xã Đông Dư, phía Đông giáp xã Đa Tốn, phía Nam giáp xã Xuân Quan (huyện Văn Giang, Hưng Yên), phía Tây là sông Hồng.
Làng gốm sứ Bát Tràng có một ưu thế lớn đó là nguyên liệu đất sét tốt sẵn có tại địa phương, giúp tạo ra những sản phẩm gốm sứ có chất lượng cao. Thời điểm cực thịnh trong giai đoạn đầu 2002-2010, các lò gốm Bát Tràng luôn đỏ lửa, với 60 đơn vị kinh tế và gần 1.000 hộ gia đình sản xuất. Thị trường xuất khẩu gốm: Mỹ, Anh, Pháp, Nhật…. Tuy nhiên, sau cuộc suy thoái kinh tế, các thị trường hầu như đóng băng.
Theo nghệ nhân Vũ Đức Thắng: “Thời điểm này, những người làm gốm đang phải tự mình phát huy khả năng tìm kiếm và gìn giữ thị trường, tự thiết kế mẫu, chào hàng, nâng cao chất lượng, hạ giá thành và tự tôn bản sắc sản phẩm; khắc phục dần điểm yếu về chuyên môn, kiến thức, công nghệ và thị trường của một làng nghề.”

Chuyện nghề

Phòng trưng bày gốm của Nghệ nhân Vũ Đức Thắng tại Khách sạn Nam Cường

 

Ở Bát Tràng hiện nay, ngoài những dòng sản phẩm chủ đạo, bản sắc và lâu đời như: bát, đĩa chén, lọ hoa với hoa văn cúc, trúc, tre trên nền men lam, nâu cổ và men ngọc còn có thêm nhiều dòng sản phẩm hiện đại như tranh tĩnh vật, các phụ kiện trang sức, trang trí,…
Tranh tĩnh vật nhiều màu sắc, được cách điệu như tranh: “Đàn lợn âm dương”, hay “Đàn gà mẹ con”,…đó là những bức tranh mang ý nghĩa về một cuộc sống sung túc, ấm no, gia đình yêu thương, gắn bó.Tranh chúc tụng như: “Vinh hoa, Phú quý”, hay “Như ý, Cát tường” là hình ảnh hai em bé, bụ bẫm, mặc yếm. Bé trai ôm con gà tượng trưng cho người con trai sau này khỏe mạnh, có năm đức tính đẹp của con gà trống: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín; khi trưởng thành sẽ là người con trai tung hoành ngang dọc. Còn hình ảnh bé gái ôm con vịt, tượng trưng cho người con gái mai này ngoan ngoãn, hiền lành, xinh xắn, có một cuộc sống hạnh phúc với “con đàn cháu đống”. Đây là một trong số những loại tranh gốm dành được nhiều tình cảm của khách hàng.
Những mặt hàng như: vòng tay, vòng cổ, những chiếc thắt lưng,…lại được trang trí theo phong cách hiện đại. Người nghệ nhân sử dụng các loại hoa văn kiểu chấm tròn, vòng xoáy, hoa lá cách điệu hay những nhân vật hoạt hình trong truyện tranh,… để làm cho chúng trở nên trẻ trung, sinh động phù hợp với cảm tình của giới trẻ.
Để lựa chọn một sản phẩm gốm Bát Tràng đảm bảo chất lượng và an toàn theo Nghệ nhân Vũ Đức Thắng, các bạn cần kiểm tra dòng chữ “made in Bat Trang” trên sản phẩm. Ngoài ra, dùng ngón tay gõ nhẹ lên sản phẩm phải nghe thấy tiếng kêu coong coong như tiếng kim loại. Nếu nghe tiếng kêu đục và nặng thì đó là đồ chất lượng kém.
Với bát ăn cơm, đĩa và khay bằng sứ có ba cách chọn: nhìn, gõ và úp. Quan sát bề mặt ngoài của đồ vật để xem độ sáng, xỉn của mầu men, tươi tối, đậm nhạt của các hình vẽ và các điểm đen, vết rạn nứt hay không. Dùng một que nhỏ gõ nhè nhẹ lên thành bát hay cạnh đĩa, khay. Nếu âm thanh phát ra nghe giòn, trong thì đó là đồ tốt, nếu âm thanh đục hay pha tạp thì chứng tỏ trên mình nó có vết rạn nứt. Ngoài ra, sản phẩm mua về không nên sử dụng máy rửa chén, hay nước rửa có Javel sẽ làm mất màu hoa văn.
Hiện nay, ngoài sản phẩm gốm của Làng, chợ gốm Bát Tràng cũng bày bán các sản phẩm gốm công nghiệp của Trung Quốc. Các sản phẩm này không an toàn cho sức khỏe, (chỉ có màu trắng, không có dòng chữ “made in Bat Tràng) sử dụng nhiều hóa chất và nung ở nhiệt độ thấp (1120 oC) nên chất độc chưa được hóa hơi (chất độc được hóa hơi ở 1250oC). Đây thực chất là những sản phẩm gốm công nghiệp loại 2, loại 3 của Trung Quốc, không đủ chất lượng nên được bán hóa giá sang Việt Nam. Do vậy, khách hàng thông thái cần lựa chọn đúng sản phẩm gốm thủ công Bát Tràng, đảm bảo bền đẹp và bảo vệ sức khỏe cho gia đình.

CHỈ DẪN ĐỊA LÝ LÀNG NGHỀ BÁT TRÀNG
VÀ DANH SÁCH NGHỆ NHÂN
Làng cổ Bát Tràng cách cấu Chương Dương khoảng 10km về phía nam (Cầu Chương Dương hướng Hà Nội- Gia Lâm rẽ phải). Hiện nay đã có tuyến xe buýt (15 phút/1 chuyến), từ Làng Bát Tràng cổ về trung tâm thành phố và ngược lại.
1. Ông Lê Xuân Phổ, chủ tịch Hiệp hội làng nghề gốm Bát Tràng, điện thoại: 0904.064.482
2. Nghệ nhân Vũ Đức Thắng, điện thoại: 0986.945.925/  04.38744.710/  04.38740.853
3. Nghệ nhân Trần Độ, điện thoại: 01698.281.111
4. Thợ giỏi Phạm Quốc Văn (20 năm làm nghề, chuyên về ấm chén gốm Tử Sa), điện thoại: 097.674.2558

Thực hiện: Phạm Thị Hương
Hà Nội, ngày  10/8/ 2014

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *