Giới thiệu Truyện Kiều
Truyện Kiều kiệt tác thơ nôm của Đại thi hào Nguyễn Du, được xếp vào hàng kinh điển trong văn học Việt Nam. Kể từ khi ra đời, hàng trăm năm qua, sức sống của Truyện Kiều vẫn luôn mạnh mẽ trong dòng chảy văn hóa và là niềm tự hào của người Việt.
Trong đời sống dân gian, nhiều câu thơ trong truyện Kiều được nhân dân truyền miệng. Không ít người lớn lên trưởng thành vẫn nhớ lời ru của bà, của mẹ bằng những câu Kiều và rồi lại truyền cho những thế hệ tiếp theo. Nhiều nhân vật trong truyện Kiều trở thành những khuôn mẫu điển hình mang tính biểu trưng cao, như Chủ chứa gọi là Tú bà; Kẻ trăng hoa ong bướm bội tình thì gọi là Sở Khanh; Người vợ ghen chồng là Hoạn Thư…
Đối với các loại hình biểu diễn chuyên nghiệp, Truyện Kiều cũng là cảm hứng sáng tạo cho các văn nghệ sỹ sáng tác, từ hội họa, văn học, âm nhạc, sân khấu,…
Điều tuyệt vời làm nên một kiệt tác bất hủ đó chính là giá trị tư tưởng của truyện Kiều. Nhìn vào đó chúng ta nhìn thấy một pho sử thơ về xã hội phong kiến. Chúng ta như sờ thấy, chạm thấy, nức nở cùng số phận của nhân vật là người phụ nữ hay những tầng lớp đáy của xã hội xưa. Thế hệ nào cũng tìm thấy truyện Kiều như một tấm gương soi: soi mình, soi gia đình, soi xã hội mình vào đó để thấy phần nào tiến bộ và phần nào chưa tiến bộ? Và đọc Kiều để đánh thức những giá trị tốt đẹp xưa: tình yêu nam nữ cao thượng và trong sáng; tấm lòng hiếu thảo của con cái dành cho cha mẹ và nề nếp gia phong- nơi giữ cho mái nhà được ấm êm!…
Trong loạt video sắp thực hiện, Mẹ thiên nhiên xin đọc và chú giải từng phần của Truyện Kiều để gửi đến các quý khán thính giả yêu Truyện Kiều và mong nhận được sự đồng hành trọn vẹn của quý vị!
Phần I tả chị em Thúy Kiều (từ câu 1- 38) Tóm tắt, khoảng vào thời vua Minh Thế Tông 1522- 1566, trong một gia đình Viên ngoại họ Vương có 3 người con. Thúy Kiều trưởng nữ, Thúy Vân thứ nữ và Vương Quan con trai út. Hai chị em Thúy Kiều mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười. Nhưng so bề tài sắc thì Thúy Kiều lại là phần hơn….
Đường link Truyện Kiều phần I: https://www.youtube.com/watch?v=hpLN46i8cVU
Phần II Kiều du thanh minh (từ câu 39- 132): Tóm tắt, trong một dịp Tết thanh minh, chị em Kiều hòa cùng với những nam thanh nữ tú, trong cảnh du xuân vui vẻ và nhộn nhịp. Khi đi qua mộ Đạm Tiên, một nấm đất bên đường, Kiều đã khóc thương và không khỏi cảm thấy ái ngại cho một kiếp hồng nhan nổi danh tài sắc một thì, mà giờ đây hương khỏi vắng tanh. Vốn là một con người giàu tình cảm và tinh tế, nên Kiều đã liên cảm đến thân phận của mình và của những người phụ nữ nói chung. “Đau đớn thay phận đàn bà, lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
Đường link Truyện Kiều phần II: https://www.youtube.com/watch?v=RudlkjWeEu4
Phần III Kiều gặp Kim Trọng (từ câu 133- 170): Tóm tắt, Trong ngày du xuân của tiết thanh minh, Kiều đã gặp Kim Trọng một người vốn “Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”, là con nhà Trâm Anh, và là bạn đồng môn của Vương Quan, từ lâu đã trộm nhớ thầm yêu nàng. Bên cạnh đó, Kim Trọng cũng là người tuy chưa kịp nói với nhau một lời, nhưng sau cuộc gặp gỡ thì “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Trong phần này, đại thi hào Nguyễn Du đã dành phần lớn nội dung để giới thiệu Kim Trọng, và những rung động tâm lý của Kiều và Kim Trọng, trong buổi đầu gặp gỡ.
Đường link Truyện Kiều phần III: https://www.youtube.com/watch?v=9iNhvXPShUE
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.