Giáo sư Phan Ngọc
Vợ chồng GS Phan Ngọc
“Học cha từ nét thanh bần”
“Từ lúc còn nhỏ, dù được sinh ra trong một gia đình quan lại bề thế, nhưng cụ thân sinh của chồng tôi vẫn rèn cho con cái nếp sống thanh bần. Bữa sáng của cụ Thượng thư vẫn là vài củ khoai lang luộc. Chồng tôi vẫn ăn theo cha”, vợ GS. Phan Ngọc tâm sự.
Nguyên là chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956), GS. Phan Ngọc thông thạo 5 thứ tiếng, từng giảng dạy ở nhiều nước New Zealand, Hong Kong, Pháp, Thái Lan, Singapore…. Nhưng lối sống có cốt cách, liêm khiết, thanh đạm của một ông đồ xứ Nghệ thì vẫn không thay đổi. Đến tận lúc về hưu ông và vợ mới có được một căn hộ 90m2, trên tầng 6 của một chung cư Hà Nội, mua từ tiền dạy và dịch sách của mình.
Sự học là tự học
Ở Việt Nam, sau Trương Vĩnh Ký, GS. Phan Ngọc là người thông thạo 5 ngoại ngữ, là: La tinh, Trung Quốc, Pháp, Anh, Italia, ngoài ra còn biết tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật và cả tiếng Thái Lan, Campuchia… mặc dù chưa từng học qua một trường đạo tạo ngoại ngữ nào, chỉ mới có bằng tú tài Pháp. “Với nhiều người, họ học ngoại ngữ vì sinh kế nhưng với tôi, tôi học ngoại ngữ vì tôi muốn biết, muốn hiểu về những vùng đất xa lạ. Muốn hiểu và biết về những nơi mà mình yêu thích không có cách nào khác là biết được ngôn ngữ của vùng đất đó. Sự học với tôi đơn giản là tự học, học bằng tất cả đam mê của bản thân, chữ nghĩa như một thứ chất gây nghiện. Tôi tìm thấy hạnh phúc, sự thỏa mãn trong sự học”, theo Giáo sư.
Ông dịch “Thần thoại Hy Lạp” từ nguyên bản tiếng Hy Lạp; “Spartacus” từ nguyên bản tiếng Ý; “Chiến tranh và hoà bình” của Lev Tolstoy từ nguyên bản tiếng Nga; “Sử ký Tư Mã Thiên” từ nguyên bản tiếng Hán… Năm 1976, để chuẩn bị khẩn trương cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, GS. Phan Ngọc dám nhận trước Trung ương dịch cuốn “Triết học Hegel” từ nguyên bản tiếng Đức, vượt thời hạn 3 tháng. Đây vẫn là “kỳ tích” được nhiều người đương thời ngưỡng mộ. Và ông luôn khắc ghi trong tâm trí câu nói của cụ Đào Duy Anh: “Cuộc đời không quan trọng, quan trọng là ở sự nghiệp để lại cho đời”.
Vợ chồng GS Phan Ngọc
Rèn đức, luyện tài từ tấm bé
Sinh ra từ vùng đất có truyền thống hiếu học, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Sự học ngoại ngữ của GS. Phan Ngọc bắt đầu khi ông 5 tuổi. Người thầy đầu đời của ông là cha- Phan Võ, làm quan Thượng thư Bộ Lễ của triều đình Huế. Mỗi ngày để được đi chơi, ông phải hoàn thành các bài viết chữ Hán mà cha giao. Đến tuổi đi học, ngôi trường Thiên Hữu của cố đạo (Huế) đã trang bị cho ông tiếng Hy Lạp và La tinh. Do vậy, chữ Hán, tiếng La tinh, tiếng Pháp, tiếng Anh ông thông thạo từ ngày còn rất trẻ. “Nếp nhà” hiều học đã ăn sâu vào suy nghĩ của ông, học bằng sự đam mê chứ không chỉ vì vật chất.
Chia sẻ về cách học ngoại ngữ của mình, theo GS: “Trong rất nhiều ngôn ngữ, người học nên chọn vài ngoại ngữ có tính phổ biến trên thế giới (tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Anh) để có thể giao tiếp rộng rãi. Mỗi ngôn ngữ phải được học một cách chu đáo trước khi chuyển sang học một ngôn ngữ khác”.
Dù vừa qua tuổi 88, nhưng mỗi ngày ông vẫn làm việc, vẫn dành thời gian để viết tiếp cuốn sách: “Từ láy trong tiếng Việt” bởi ông vẫn có một niềm đau đáu với ngôn ngữ tiếng Việt.
Ngẫm về nỗi giáo dục nước nhà ông cho rằng: “Nhà trường và gia đình đều quan trọng với mỗi đứa trẻ để được phát triển toàn diện. Nhưng cái nôi gia đình, cha mẹ phải chính là những người thầy đầu tiên của con. Cha mẹ phải khơi dậy niềm đam mê tự học cho trẻ từ tấm bé. Thầy cô và nhà trường giúp định hướng, chỉ dẫn cho trẻ phương pháp học. Ở các trường quốc tế, trẻ được giáo dục kết hợp vừa học vừa chơi. Chúng vẫn học tốt và tư duy sáng tạo tốt. Trẻ ở Việt Nam học nhiều quá. Học trên lớp, học thêm ngoài giờ,… học như vậy còn lúc nào để chúng tự tư duy hay sáng tạo. Thậm chí chúng không còn thời gian để được là trẻ con.
Người mẹ đơn thân rơi lệ vì hạnh phúc
Chị Lê Thanh Thủy
Mười một năm qua, chị Lê Thanh Thủy một mình nuôi dạy bốn người con chăm ngoan, học giỏi, khi người chồng không may qua đời. Chị vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa làm nhà tạo mẫu tóc và vừa là người thầy đầu tiên của các con.
Chị có một triết lý dạy con rất đơn giản: “Với nhiều gia đình, các bậc cha mẹ thường hay lo và làm thay con, từ học gì, ăn gì, làm gi? Như vậy, cha mẹ đang tự mình làm hư con. Đừng nghĩ hộ và làm hộ chúng như một bảo mẫu. Chúng cần được biết chúng học và làm bất cứ việc gì là cho bản thân chúng chứ không phải cho bố mẹ”.
Người phụ nữ làm tròn 4 vai
Gặp người phụ nữ đã có 4 con, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự trẻ trung, sự khẳng khái trong từng lời nói của chị. Có lẽ cảnh góa phụ nuôi con đã làm chị vừa có sự dịu dàng, chu đáo của một người mẹ, sự mạnh mẽ quyết đoán của một người cha. Không giấu nổi sự xót xa khi nhắc đến sự ra đi của người chồng, nhưng chị thầm cảm ơn anh vì đã đến bên chị và cho chị bốn “nàng Kiều” để chị chăm sóc, để chị yêu thương, lo lắng, cố gắng nuôi dạy bù đắp sự thiếu hụt của người cha với chúng.
Bốn cô con gái, Nguyễn Kiều Trinh, Nguyễn Kiều My, Nguyễn Kiều Chi và Nguyễn Kiều Mỹ cũng không phụ lòng người mẹ tần tảo. Nhìn vào bảng thành tích của bốn “nàng Kiều” khiến tôi không khỏi ngưỡng mộ. Cô con gái đầu, Nguyễn Kiều Trinh, 24 tuổi, hiện đang theo học văn bằng 2 ngành truyền thông tại trường Uthành phố Sidney, Úc. Cô con gái thứ 2, Kiều My đang là sinh viên năm thứ hai, ĐH Ngoại Thương Hà Nội. Kiều Chi đang học lớp 10 chuyên Hóa trường Amstecdam Hà Nội. Cô con gái út, Kiều Mỹ 13 tuổi, học lớp chuyên Anh, trường THCS Giảng Võ Hà Nội.
Căn nhà nhỏ ở trên phố Đội Cấn, Hà Nội của chị Lê Thanh Thủy là một salon tóc. Những người khách đến với salon tóc Thanh Thủy không chỉ vì tay nghề làm tóc trên 20 năm. Với những giải thưởng mà chị nhận được là Nhà tạo mẫu tóc tài năng năm 2004, Giải tạo mẫu tóc năm 2007- minh chứng cụ thể cho nỗ lực không ngừng nghỉ của người phụ nữ cứng cỏi và xinh đẹp này. Mà họ còn nhớ đến chị bởi vai trò một người mẹ, người phụ nữ có nghị lực phi thường một người cha và người thầy đầu tiên của các con.
Chị Lê Thanh Thủy cùng các con
Tiếp tục truyền lửa cho các con
Mặc dù bận rộn với công việc mưu sinh, nhưng người phụ nữ này lại có những “bí quyết” dạy con rất riêng. Hằng ngày, sau khi đóng cửa tiệm chị vẫn tranh thủ dạy toán cho cô con út. Những kiến thức nào mới, khó hiểu chị lại tự mày mò tìm sách về đọc, để có thế là “cô giáo” cho các con. Thói quen này được chị và người chồng quá cố duy trì từ lúc các con chị mới chập chững vào lớp 1. Đặc biệt, với môn toán phổ thông chị đều tự dạy cho con ở nhà, thay vì thuê gia sư hay cho con đi học thêm.
“Không chỉ vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn của gia đình, bản thân tôi thấy mình hoàn toàn có thể giúp con ôn luyện kiến thức môn toán tại nhà. Đơn giản không chỉ là việc dạy con kiến thức mà ở đó còn là sự quan tâm, gần gũi đặc biệt của cha mẹ với con mình, cho chúng thấy cha mẹ đang cùng nỗ lực với chúng. Đó mới là điều nhiều đứa trẻ đang cần”, chị Thủy tâm sự.
Ngỡ rằng để có được kết quả học tập như vậy, chị phải gò ép các con, nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại. Các con chị lúc học cấp 1, cấp 2 thường chỉ đi học trên lớp và về ôn bài ở nhà cùng mẹ. Chúng cũng chỉ được mẹ cho học đến trước 10h30 tối. Đến khi các con học lên THPT, chúng mới được học theo lịch của riêng mình.
Không chỉ là sinh viên, học sinh các trường có tiếng, các con gái của chị còn giúp mẹ theo cách riêng. Kiều My và Kiều Chi đang đi làm gia sư tiếng Anh. Kiều My có triết lý làm gia sư khá đặc biệt: “Làm gia sư không chỉ để kiếm tiền mà người dạy phải truyền được lửa đam mê học tập cho học trò đó mới là gia sư giỏi”. “Tôi không bắt các con phải đi làm gia sư kiếm tiền, nhưng những gia đình người quen thường hay nhờ các con tôi. Kiếm tiền và tìm được ý nghĩa trong mỗi việc làm nhỏ nhất là điều tôi thấy tự hào về các con”.
Hỏi chị có buồn không nếu bốn “nàng Kiều” lớn lên đi du học ở trời tây hết ? Chị Thủy mỉm cười: “ Từ lúc các con còn nhỏ tôi đã nói, các con học cho chính các con. Các con thành công tự lo cho bản thân là một niềm tự hào của mẹ. Khi cô con gái thứ hai thi đại học Ngoại thương, tôi bị đau chân không thể đi lại được. Các nàng vừa phải đi học, vừa chăm sóc và cõng mẹ trên lưng. Lúc đó thực sự dù đau nhưng tôi vui vì chúng không chỉ biết học tốt mà chúng còn là những “người bạn” thật sự của mình”, chị Thủy nghẹn ngào.
Thủ khoa tự học Trần Xuân Bách
Trần Xuân Bách bên bàn học ở nhà của mình
Đậu thủ khoa Đại học Y, Hà Nội; Á khoa, Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trần Xuân Bách trở thành nhân vật sửng sốt của năm 2012. Nhưng con đường dẫn tới thành công của em còn nhiều bất ngờ hơn: Không trường chuyên lớp chọn, không ôn luyện trung tâm và không phải học sinh thành phố.
Bách học tập qua những tấm gương:
Trần Xuân Bách giản dị nhưng khẳng khái, một chút lạnh lùng, điềm tĩnh, chín hơn so với tuổi; khá bận rộn với công việc học tập tại trường vì chút áp lực của một thủ khoa. Em bắt đầu câu chuyện tự nhiên, không màu mè: “Bố em là Trần Thiên Hà 42 tuổi, là nông dân, thích nghe nhạc của Đàm Vĩnh Hưng. Mẹ em là Trần Thị Thu, 39 tuổi, cũng là nông dân, thích đi siêu thị và xem tivi. Em gái là Trần Thị Ngọc Diệp học lớp 10. Quê em ở Quảng Oai, Ba Vì, Hà Nội”.
Dù đỗ thủ khoa và Á khoa hai trường đại học danh tiếng tại Hà Nội, nhưng ít ai biết rằng trước kia Bách đã từng có thời gian nghiện game. Không ít lần mẹ phải đến tận quán game để tìm cậu quý tử. Nhưng khác với các ông bồ bà mẹ chói chân hay đánh mắng con cái sau những sai lầm, dù phải tìm con về từ quán game vào lúc nửa đêm, mẹ vẫn nhẹ nhàng giảng giải cho Bách hiểu tác hại của game.
Người ảnh hưởng lớn nhất đến sự nỗ lực học tập của Bách là mẹ. Mẹ thường nói về những tấm gương anh, chị họ hàng phấn đấu học tập ra sao? Được cấp học bổng du học như thế nào? Giờ đây họ đều được kính trọng, được vinh danh mỗi lần về quê hương để Bách tự nhìn nhận.
“Chỉ có học giỏi thì sau này mới vươn lên được, sau này không phải chân lấm tay bùn như mẹ một đời” mẹ Bách từng nói. Tất cả những điều đó là động lực lớn cho em đặt mình vào tư thế phải học. Bách nhận ra rằng, không chỉ với bản thân Bách mà với bất cứ một bạn trẻ nào, sinh ra ở những vùng quê kinh tế còn khó khăn, môi trường sống còn nhiều vất vả thì con đường duy nhất để có tương lai tốt đẹp hơn là phải vượt khổ, vượt khó để học giỏi. Chỉ có học tập mới giúp con người ta có thể sống tốt, có điều kiện để thực hiện ước mơ, hoài bão và chăm sóc tốt cho những người thân yêu.
Tự học là chìa khóa thành công
Hỏi về bí quyết đạt 30 điểm trong kỳ thi đại học vừa qua, Bách cho rằng: “Với em, việc học là một quá trình, toàn diện, tự giác, quyết tâm và liên tục. Ở trên lớp em có thói quen cố gắng làm hết những bài tập ngay sau khi được giao, sau đó về nhà đọc thêm sách. Tự luyện nhiều đề thi từ các năm trước, điều chỉnh cách làm bài sao cho phù hợp với tư duy của mình, thói quen của mình, vì đề thi thường có nhiều cách giải”.
Dù đạt được số điểm tuyệt đối nhưng Bách chưa từng đi học thêm ở bất cứ trung tâm luyện thi nào. “Em nghĩ việc tự giác học tập là tốt nhất, tuy nhiên điều đó phụ thuộc nhiều vào thói quen và ý chí của mỗi con người. Với em, thói quen luôn chuẩn bị bài trước khi tới lớp, luôn làm hết bài tập được giao…và ý chí luôn muốn vươn lên vị trí cao hơn là động lực để em tự học. Môi trường học tập và gia đình tác động rất lớn đến nỗ lực học tập của học sinh, nhưng nỗ lực ra sao lại do chính học sinh đó quyết định”, Bách tâm sự.
Với nhiều người dân ở xóm Trại, xã Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội, kết quả thi của “Bách ngố” không quá bất ngờ. Ngay từ khi học phổ thông Bách đã luôn miệt mài, hết thời gian học trên lớp, tự học ở nhà, Bách thường dành thời gian chỉ bảo em gái học hành. Sau những giờ học căng thẳng, hai anh em lại tự giác phân công nhau giúp bố mẹ việc nhà và việc đồng áng. Hình ảnh “thằng Bách ngố” cuốc đất, ra đồng vào những buổi cuối tuần rất quen thuộc với người dân nơi đây.
Tuy vậy, không phải ai cũng biết rằng “Bách ngố” đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành một người bác sỹ giỏi, nhân từ. “Ngay từ nhỏ, khi chứng kiến nhiều đoàn bác sĩ trong nước và ngoài nước về khám, chữa bệnh miễn phí cho những người dân nghèo ở vùng quê em. Rất nhiều những bệnh nhân nghèo đã được cứu sống nhờ tình thương của những người bác sĩ tận tâm. Hình ảnh đó đã thôi thúc em nuôi dưỡng khát vọng trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho gia đình mình và cho những người dân nghèo”, Bách tâm sự.
Hà Nội, ngày 9 tháng 8 năm 2012
Phạm Thị Hương